Search

Vie

Eng

Học để thấy mình không khiếm khuyết

Chủ nhật, 23 tháng 06 2019 11:13

Chia sẻ:

UC HOC 3

Niềm vui của Phan Thị Rát trong ngày nhận Chứng nhận giành Học bổng chính phủ Australia. Ảnh: Tuấn Phong

Trong buổi trao chứng nhận Học bổng chính phủ Australia diễn ra mới đây, học viên thạc sĩ đặc biệt Phan Thị Rát nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè và các học viên đi học cùng đợt. Nụ cười rạng rỡ, Rát truyền đến những người xung quanh năng lượng sống tích cực và động lực vươn lên trong cuộc sống.

Nỗ lực không ngừng chinh phục tri thức

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, 3 chị em gái Rát bị yếu chân tay từ nhỏ. Đa số việc cầm, nắm, di chuyển của Rát gặp rất nhiều khó khăn. Con đường học tập của cô vô cùng vất vả, có những lúc tưởng chừng phải từ bỏ ước mơ đi học cao hơn. Từ Tiểu học, Rát tự mình đi được trong khoảng cách gần. Lên THCS, trường cách nhà khoảng 5km, người thân, gia đình, bạn bè thay nhau chở Rát đi học ròng rã suốt 4 năm. Rát kể những năm tháng HS, em thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt người khác. Cơ thể khiếm khuyết khiến người con gái của biển mặc cảm, xa lánh bạn bè và hay khóc.

Học hết lớp 12, Rát băn khoăn không biết nên tiếp tục học hay như thế nào. “Em nhớ câu nói của ba: Thôi cứ cố gắng học, ra đời sẽ có xã hội giúp” – Rát chia sẻ. Những ngày mới vào TPHCM trọ học với Rát là cuộc chiến thực sự. Xa người thân, bạn bè, bản tính lại nhút nhát nên cô chẳng dám mở miệng nhờ ai giúp. Từ đi chợ, giặt quần áo đến nấu ăn, đón xe buýt, Rát đều gồng người tự làm.

Năm 2011, trong khoảng thời gian học tại Trường ĐH Mở TPHCM, nhận học bổng Người bạn đồng hành của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Rát đã “cho lại” bằng cách dạy kèm các em nhỏ đồng cảnh ngộ ở Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TPHCM). Những cô bé, cậu bé khuyết tật hoặc mồ côi say sưa học chữ, miệng lúc nào cũng cười rạng rỡ gọi “cô giáo, cô giáo” khiến Rát nhận ra mình may mắn bởi vẫn còn gia đình bao bọc, che chở, còn thầy cô, bạn bè yêu thương, tin tưởng. Khiếm khuyết cơ thể chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh.

Từ đó, Rát bắt đầu mở lòng, biết lắng nghe và chia sẻ với những người xung quanh về cuộc sống, học tập, ước mơ, có chính kiến, trở thành một thủ lĩnh về công tác xã hội. Niềm vui đi học được bạn bè thầy cô yêu quý giúp đỡ, Phan Thị Rát đã hoàn thành 4 năm học ĐH, đi làm và tiếp tục con đường chinh phục tri thức. Năm 2013, Phan Thị Rát là 1 trong 12 người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam được vinh dự gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Mở lối ra thế giới

Làm việc tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, Rát được truyền cảm hứng từ các đồng nghiệp đã từng du học với Học bổng chính phủ Australia. Được sự trợ giúp nhiệt tình của các anh chị, Rát đã nộp hồ sơ rất thuận lợi. Do gặp khó khăn về tiếng Anh, Rát được chương trình cho đi học ngoại ngữ tại Trường ĐH RMIT trong vòng 3 tháng để có thể đủ điểm du học tại Trường ĐH Flinders (Australia). Học bổng với người khuyết tật nặng như Rát được hỗ trợ thêm một người đi cùng chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

Nhớ lại giây phút biết tin học bổng chính phủ Australia, Rát kể lúc đó như vỡ òa hạnh phúc. Sự công nhận này khiến cô gái khuyết tật thấy mình có động lực hơn, có giá trị hơn, cảm thấy nếu được tạo cơ hội, người khuyết tật cũng có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Hành trang tinh thần mang theo khi du học của Rát là những lời động viên gia đình, bạn bè và những kỳ vọng về tương lai. Phan Thị Rát đặt mục tiêu sau 2 năm học trở về, bên cạnh việc giúp đỡ, chia sẻ kiến thức cho những người đồng cảnh ngộ, cô sẽ đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ, tư vấn việc làm cho người khuyết tật; tư vấn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc bình đẳng như mọi lao động khác.

“Cuộc đời tôi đã thay đổi rất nhiều. Giờ tôi không quan tâm đến khuyết tật bản thân, không sợ ai dòm ngó, bình phẩm. Tôi tự tin trong học tập, thỏa sức vui chơi và cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao khi có thể làm được những điều mình muốn” - Phan Thị Rát nói.

Tuấn Phong

nguồn: giaoducthoidai.vn


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Giáo dục, Gương điển hình, Học bổng và tài trợ

Tin liên quan

Go to top