Search

Vie

Eng

Tiếng nói chung của người khuyết tật

Thứ tư, 12 tháng 04 2006 17:00

Chia sẻ:

Sau Hà Giang, Nam Định, Đà Lạt, Hà Nội là địa phương thứ 4 trong cả nước thành lập Hội Người khuyết tật (NKT). Nhân dịp Đại hội thành lập Hội NKT thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các thành viên Ban vận động thành lập Hội.


Là Trưởng ban vận động thành lập Hội NKT thành phố Hà Nội, ông có thể cho biết Hội ra đời trong hoàn cảnh có những thuận lợi và khó khăn gì ?
- Ông Vũ Mạnh Hùng: Hà Nội có khoảng 22.000 NKT. Nhiều năm qua, Nhà nước đã có chính sách chăm sóc, hỗ trợ NKT, thể hiện trong Pháp lệnh Về người tàn tật và được lồng ghép trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc - Giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Lao động, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ… Việt Nam đã cùng chính phủ các nước trong khu vực thông qua nghị quyết và cam kết thực hiện khuôn khổ Hành động thiên niên kỷ Biwako trong thập kỷ thứ 2 (2003-2012) để “Hướng tới một xã hội hòa nhập, không vật cản và vì quyền của NKT” với 7 lĩnh vực ưu tiên: Các tổ chức tự lực của NKT và những hiệp hội phụ huynh - gia đình của NKT; Phụ nữ khuyết tật; Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục trẻ em khuyết tật; Đào tạo và việc làm bao gồm NKT tự tạo việc làm; Tiếp cận các môi trường xây dựng và giao thông công cộng; Tiếp cận thông tin và viễn thông, bao gồm các công nghệ thông tin, viễn thông và hỗ trợ; Xóa đói giảm nghèo thông qua nâng cao năng lực, an sinh xã hội và các chương trình ổn định cuộc sống bền vững.

Cuối năm 2005, trong hội nghị đánh giá 7 năm thực hiện Pháp lệnh Về người tàn tật (1998-2005), ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Mặc dù đã có những chuyển biến trong nhận thức, hành động của xã hội dành cho người tàn tật nhưng việc triển khai các văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ đối tượng này vào cuộc sống còn nhiều thách thức “, “Phần lớn những người tàn tật chưa phát huy được nội lực của chính mình và chưa được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách đã quy định”. Để thúc đẩy việc triển khai chính sách với NKT, ngày 2-3-2006, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 43/TB-VPCP, giao Bộ LĐ-TBXH có trách nhiệm chủ trì phối hợp các bộ, ngành, tổ chức xã hội liên quan xây dựng Chương trình hành động vì người tàn tật trong quí II-2006, đồng thời dự thảo kế hoạch xây dựng Luật Về người tàn tật. Với sự quan tâm đó, NKT, các tổ chức tự lực NKT Hà Nội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên học văn hóa, học nghề và tạo việc làm, tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật để cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nhưng phần lớn các tổ chức của NKT có qui mô nhỏ, không có tư cách pháp nhân và không có tính đại diện nên NKT gặp nhiều khó khăn, hạn chế việc phát huy nội lực. Từ trước tới nay, thành phố chỉ có hội của người mù, các dạng khuyết tật khác chưa có hội đại diện, chỉ có các nhóm tự lực của NKT. Hơn nữa, NKT chưa có tiếng nói chung. NKT Hà Nội cần có một loại hình tổ chức đại diện chung cho các dạng khuyết tật khác nhau. Thông qua tổ chức này, NKT Hà Nội có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động và phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như tham gia ý kiến với các cơ quan chức năng về thực hiện các chính sách, pháp luật về NKT. Nguyện vọng đó đã được cơ quan quản lý thành phố, các tổ chức và Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam đồng tình, ủng hộ. Quyết định số 266-QĐ-UB (ngày 16-1-2006) của UBND thành phố Hà Nội đã cho phép thành lập Hội NKT thành phố Hà Nội.

- Ông có thể cho biết chương trình hành động để phát triển vững chắc, hỗ trợ cho NKT và đóng góp xây dựng xã hội ?
- Ông Lưu Đình Tú (thành viên Ban vận động thành lập Hội): Hiện nay, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là làm thế nào để Hội phát triển vững chắc. Muốn vậy, Hội phải kiện toàn tổ chức của Hội; từng bước vận động các tổ chức NKT tham gia Hội; tích cực tham gia các chương trình chung của thành phố Hà Nội; tổ chức, phối hợp giữa các thành viên để liên kết và hỗ trợ lẫn nhau; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, thông tin về các lĩnh vực của NKT trong và ngoài nước; tập hợp, phản ánh kiến nghị, nguyện vọng của NKT với chính quyền trong việc ban hành, sửa đổi và thực hiện chính sách, chế độ, pháp luật liên quan đến NKT…

-Xin chân thành cảm ơn. Xin chúc Hội NKT thành phố Hà Nội phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô và cả nước.

Theo nguoikhuyettat.org


 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Chia sẻ, Người khuyết tật, Diễn đàn DRD

Tin liên quan

Go to top