Search

Vie

Eng

Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật

Thứ sáu, 27 tháng 10 2017 13:43

Ngày 23/10/2017 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật”. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho tất cả sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục; lấy ý kiến và tìm giải pháp của các bên liên quan về tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật.

Cô mai

Bà Đặng Huỳnh Mai – Nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Hội thảo vinh dự nhận được sự tham dự của Bà Đặng Huỳnh Mai – Nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Ông Hoàng Trường Giang – Phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục Tp. HCM; Luật sư Trương Thị Hòa; Bà Trần Thị Thanh Hằng – Giám đốc trung tâm bỏ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật Tp. HCM, cùng đại diện của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng; Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp Tp. HCM; cùng đại diện các trường Đại học (ĐH) Cao đẳng (CĐ) trên địa bàn Thành phố và đông đảo các bạn sinh viên khuyết tật, phụ huynh….

Bắt đầu hội thảo, Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết trước đây bà đã trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến SV khuyết tật. “Có học sinh nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng một trường ĐH ở Hà Nội đã từ chối hồ sơ của em này, lý do là không có hội đồng thi riêng. Chúng tôi đã phải chỉ đạo trường lập hội đồng thi riêng cho em. Rất may sau đó em tiếp tục học rất giỏi khiến tôi tự hào về em” - bà nói.

Đại diện sở giáo dục

Đại diện Sở giáo dục TP HCM(từ trái sang)

Ông Hoàng Trường Giang - phó trưởng phòng, Bà Nguyễn Thị Từ Dũ - phó trưởng phòng, Luật sư Trương Thị Hòa

Một trong những câu chuyện khiến bà Mai trăn trở là trường hợp một SV khuyết tật vận động, con của một cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam, đang học tại một trường ĐH y. Do SV này không thể học môn thể dục nên bị lưu ban điểm. Em đã trình bày trực tiếp hoàn cảnh với bà. Sau đó Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trường học miễn cho em không phải học môn thể dục.

Bà Mai nói: “Nhưng khi ra nước ngoài, tôi hiểu mình làm chưa đúng. Tại một số trường ĐH ở nước ngoài, họ vẫn cho các em học thể dục với bài tập riêng phù hợp chứ không miễn. Đó cũng là quyền lợi của các em. Chúng ta phải thay đổi nhận thức về cơ hội cho SV khuyết tật”.

Lê Hữu thương

Ông Lê Hữu Thương báo cáo tại hội nghị

Ông Lê Hữu Thương – Điều phối dự án Tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật tại 2 trường ĐH Sư phạm và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ: “Theo ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật, sinh viên khiếm thị gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận tài liệu học, khó có thể theo dõi các bải giảng. Họ phải mua thêm các thiết bị như máy ghi âm, máy scan, kính lúp... hoặc người phiên dịch, người hỗ trợ cá nhân với chi phí khá tốn kém.

Ngoài ra, sinh viên khuyết tật còn khó tìm nhà trọ, đặc biệt là người khuyết tật vận động, họ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để tìm nơi ở.

"Việc miễn giảm học phí cho sinh viên khuyết tật cũng bị hạn chế. Bởi các trường thườngyêu cầu các bạn phải thuộc trường hợp khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, kèm theo điều kiện phải thuộc dạng hộ nghèo hay cận nghèo, mới được hưởng chính sách này", ông Thương nói và cho rằng những yêu cầu này bị chồng chéo nhau.

Dương phuong hanh

Bà Dương Phương Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục Người Khiếm Thính (CED)

Riêng về sinh viên là người khiếm thính, tại hội thảo đại diện Bà Dương Phương Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục Người Khiếm Thính (CED) cũng có bài trình bày về thực trạng của học sinh/sinh viên thuộc nhóm đối tượng này, có quá nhiều rào cản mà các em này đang phải đối mặc, điển hình như: Khó khăn trong việc giao tiếp, thiếu các dịch vụ và thiết bị hỗ trợ trong học tập và sinh hoạt, thiếu người hỗ trợ... Thực tế ở những bậc học càng cao thì những khó khăn này càng gia tăng, đặc biệt liên quan đến thái độ/nhận thức của xã hội, những khó khăn khi làm bài thi và những ràng buộc trong các các quy chế thi cử hay việc tìm kiếm cơ hội việc làm…

Lê Minh Tú

Em Lê Minh Tú, sinh viên (SV) năm nhất ngành tâm lý, ĐH Văn Hiến (TP.HCM) chia sẻ

Tại hội thảo, em Lê Minh Tú, sinh viên (SV) năm nhất ngành tâm lý, ĐH Văn Hiến (TP.HCM), là SV câm điếc chia sẻ thông qua người phiên dịch, Tú “kể” câu chuyện của mình bằng đôi tay nhỏ nhắn: “Tốt nghiệp THPT, tôi nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng (CĐ) gần nhà. Nhưng họ từ chối vì tôi là người khiếm thính. Cha đưa tôi đến Trường Cao đẳng, hy vọng với môi trường cởi mở họ sẽ nhận và họ đã nhận tôi”.

Nhưng chuẩn bị nhập học, Trường CĐ Việt Mỹ phát hiện Tú khiếm thính, họ lại gọi cho cha của cô, thông báo cô không thể theo học tại trường này. Cô học trò nhiều năm liền là học sinh khá rất buồn và tuyệt vọng. Nhưng với khát khao được học tiếp, cô nộp hồ sơ vào Đại học (ĐH) Văn Hiến. Tại đây, cánh cửa đã mở rộng với cô. Không chỉ được nhận vào học mà Tú còn được cấp học bổng, được hỗ trợ người phiên dịch. Cô hạnh phúc bày tỏ: “Học ĐH được hai tháng rồi, chương trình ĐH rất khó nhưng em sẽ cố gắng hoàn thành tốt việc học tại đây”.

Phụ huynh

Anh Trần Khương, phụ huynh của SV câm điếc Trần Lê Khả Ái (SV năm hai, ngành thiết kế đồ họa, ĐH Hoa Sen) chia sẻ

Anh Trần Khương, phụ huynh của SV câm điếc Trần Lê Khả Ái (SV năm hai, ngành thiết kế đồ họa, ĐH Hoa Sen), bày tỏ: “Tôi cho con học hòa nhập từ nhỏ. Những môn năng khiếu con tôi học rất tốt. Nhưng riêng môn tiếng Anh, con bé học khó khăn. Các giáo viên cũng không thể dành thời gian và phương pháp riêng cho SV câm điếc. Giáo viên Anh văn lại thay đổi thường xuyên, rất khó để làm quen và hiểu ý nhau”.

Theo ông Khương, trước đây ngày nào ông cũng đến trường THPT để tương tác với con, học cùng con. Nhưng ở môi trường ĐH, ông không được theo con vào trường nữa. Ông cho rằng có nhiều trường hợp sinh viên khuyết tật được miễn, giảm một số môn học không phù hợp. Ông muốn nhà trường miễn môn tiếng Anh cho con. Nhưng căn cứ để được miễn giảm là phải có giấy chứng nhận tình trạng khuyết tật của con. Ông từng về quận 12 xin chứng nhận tình trạng khuyết tật nặng của con thì được cán bộ chuyên trách nhận xét: “Tôi thấy nó đi đứng bình thường mà, khi nào không tự mặc đồ được mới là khuyết tật nặng chứ”. Nhưng người khiếm thính gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống vì họ ít bị cảnh báo bởi môi trường xung quanh do vậy nguy hiểm cũng nhiều hơn, đồng thời, việc hạn chế nghe, nói khiến cho người khiếm thính có kiến thức ít ỏi về xã hội hơn các dạng khuyết tật khác. Để con tiếp tục đi hết chặng đường ĐH như mơ ước, ngày ngày ông vẫn phải theo sát con, học cùng con.

Ngoài ra, các đại biểu còn chia sẻ những khó khăn của các SV như chi phí mua các trang thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật quá đắt đỏ, nhiều trường không có người phiên dịch riêng cho các SV câm điếc. Nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng và sự thay đổi trong chính các trường CĐ-ĐH, SV khuyết tật khó có thể theo học nổi.

Vào buổi chiều, các đại biểu được tham gia phiên thảo luận tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nêu trên, trả lời cho câu hỏi lớn: “Các giải pháp cụ thể nào cho sinh viên khiếm thị; khiếm thính; khuyết tật vận động tiếp cận giáo dục toàn diện?”

Một số hình ảnh tại buổi thảo luận:

Các đại biểu phát biểu sôi nổi

Các đại biểu thảo luận sôi nổi các giải pháp hỗ trợ SVKT hòa nhập giáo dục

Chị Dương Phương Hạnh điều phối thảo luận nhóm sinh viên khiếm thính

Bà Dương Phương Hạnh điều phối nhóm thảo luận của sinh viên khiếm thính

Phạm Hoàng Sơn

Ông Phạm Trường Sơn - Phó giám đốc trung tâm LIN chia sẻ

Cô Nguyễn Thị Ngọc

Cô Nguyễn Thị Ngọc - Chuyên viên tâm lý

[Kết quả thảo luận đính kèm]

Cuối buổi, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: “Hiện đã có nhiều trạm xe buýt thiết kế lối lên xuống phù hợp với người đi xe lăn. Người khiếm thị, khiếm thính cũng không phải quá lo lắng, một số trạm đã có bảng điện tử thông báo các tuyến xe đến. Sắp tới sẽ có thêm loa thông báo và bảng điện tử cả trên xe lẫn ở trạm để không bị lỡ tuyến.”

“Riêng các trường học, chúng tôi đề nghị trường tập hợp danh sách HS-SV khuyết tật gửi về cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm thẻ đi xe buýt miễn phí cho các em và gửi về tận trường.” – Ông Ân nói thêm.

Hình tập thể cuối chương trình

Hình lưu niệm cuối chương trình

Kim Phụng


Từ khóa: Chương trình xã hội, DRD và các hoạt động, Hỗ trợ, Sinh viên khuyết tật, Vận động và biện hộ

Tin liên quan

Go to top