Search

Vie

Eng

Thanh Hoa | Câu chuyện thay đổi - Nhật ký Cỏ Lông Chông

Chủ nhật, 14 tháng 07 2013 14:49

Chia sẻ:

Hình Thanh Hoa

Hình: Thanh Hoa

Sài Gòn, ngày 10 tháng 11 năm 2013

Mẹ!

Mưa bão vừa về trên mảnh đât miền Trung của chúng ta. Gọi điện về, nghe mẹ nói nhà mình không sao, con nhẹ nhõm cả người. Mẹ hỏi con còn tiền ăn không và xin lỗi vì đã khá lâu rồi ở nhà không có tiền gửi vào cho con. Con cười: “Mẹ yên tâm, con tự lo được!”. Con nghe tiếng mẹ cười: “Ừ, mẹ biết mà. Con gái mẹ đã thay đổi nhiều rồi!”. Con thỏ thẻ: “Dạ, nhờ DRD nhiều lắm mẹ ạ”.

Kết thúc cuộc gọi điện thoại, trong lòng con dân trào nhiều cảm xúc lắm. Con đã thay đổi rồi, đúng thế, và con biết mẹ vui vì điều đó.

Con ốc của “ngày xưa”…

“Ngày xưa” cái cụm từ đọc lên nghe như mô tip mở đầu những trang cổ tích, nhưng thực ra, chỉ là khoảng thời gian cách đây hơn 2 năm thôi mẹ nhỉ. Lúc đó, con chưa xa gia đình vào Sài Gòn trọ học, chưa phải tự lập nhiều và nhất là, con chưa biết đến DRD.

Ngày ấy con luôn tự ý thức được rằng lối sống của mình giống như con ốc, mẹ ạ.

Nhiều năm học cấp một, con được lọt vào đội tuyển học lớp bồi dưỡng nâng cao để đi thi học sinh giỏi cụm, nhưng đều bị cô giáo gạch tên khỏi danh sách vì nghĩ con đi học nhiều buổi hơn sẽ vất vả cho người khác. Con tình cờ biết lý do, cũng chỉ khóc một mình, không nói cho bố mẹ biết, càng không dám nói với cô rằng con muốn được thử sức.

Lên cấp hai, Tú – cậu bạn thân nhất của con, suốt nhiều năm liền chở con đi học đột ngột qua đời. Chỗ dựa tinh thần mỗi khi bị trêu chọc và niềm vui đến trường gần như tiêu tan. Không còn cậu ấy nữa, có những hôm người nhà cũng bận, con không nhờ bạn nào khác, lủi thủi mang cặp, lê đôi chân yếu ớt, đi bộ hơn 2 cây số đến trường. Trên đường đi, ai hỏi có cần chở giúp không, con cũng lắc đầu từ chối.

Lên lớp bảy, con phải nghỉ học để bước vào ca phẫu thuât. Một năm ở bệnh viện, làm bạn với con chỉ có bố và chiếc máy chơi xếp hình điện tử. Bệnh viện ám ảnh con bởi mùi thuốc, mùi tanh và những tiếng rên xiết não nề vang lên lúc trái gió trở trời. Xuất viện về nhà, niềm vui của con gói gọn trong những trang sách mượn được.

Trở lại trường, bạn bè giờ đã thành đàn anh đàn chị lớp trên, thầy cô giáo cũ cũng không dạy mình nữa, con càng co rúm lại trước tất cả…

Con luôn cảm thấy rằng, may mắn duy nhất của con trong cuộc đời này có lẽ luôn là sự yêu thương và quan tâm hết mực của mọi người. Nhưng điều quan trọng là, thật tiếc, lúc đó, con không mở rộng lòng mình để đón nhận và sẻ chia. Con chỉ là một con ốc luôn nằm trong vỏ cứng, thu mình lại, vì sợ bị tổn thương.

Ốc “hôm nay” thích thò đầu ra ngoài

 Hai năm có lẽ là một khoảng thời gian không dài, nhưng đối với con, đó là cái mốc lớn, là bước ngoặt quan trong tạo ra 

những thay đổi lớn trong chính con người mình.  

Con biết đến dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật của DRD qua một người chị làm về vấn đề khuyết tật ở Hà Nội. Con nộp đơn đăng kí vào dự án, lọt qua vòng phỏng vấn và được chọn là một trong những nhà lãnh đạo tiềm năng của nhóm thanh niên. Kể từ ngày đó đến nay cũng gần hai năm, và con đã thực sự có nhiều thay đổi khiến các anh chị điều phối bất ngờ, bạn bè con bất ngờ và con biết, bố mẹ cũng thế đúng không ạ?

Con tự tin vào bản thân hơn!

 Trước đây, xung quanh nhà mình có ai khyết tật đâu, nên con luôn thấy mình khác biệt, thiệt thòi và đáng thương. Con ở đây, mọi người ở nhóm của con đều là người khuyết tật hết mẹ ạ, mà so ra con gái mẹ mức độ còn nhẹ hơn nhiều người. Vì thế, cảm giác đầu tiên khi con tham gia vào nhóm Thanh niên chính là sựu thân quen, đồng cảm và gần gũi đến kỳ lạ.

 Không thử sao biết – đó là bài học đầu tiên mà con học được. Đa số mọi người trong nhóm Thanh niên khi mới gặp nhau đều rất nhút nhát. Nhưng chúng con luôn được các anh chị điều phối, là những người phụ trách dự án, khuyến khích tự tin thể hiện khả năng vốn có của bản thân.

Con vẫn còn nhớ lần đầu tiên nhận lời làm MC cho chương trình cảu nhóm. Con tự viết kịch bản, tự đứng trước gương đọc đi đọc lại nhiều lần, hồi hộp đến phát run. Ấy thế mà khi đứng trước nhiều người, kỳ lạ thay, con bình tĩnh và tự tin đến lạ. Dù vẫn có những va vấp vì chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống nhưng khi nghe mọi người khen giọng hay, có duyên, thì niềm vui ngập tràn lòng con. Bây giờ, con đã tự tin khi làm người dẫn chương trình cho một số hoạt động của nhóm, cũng như các câu lạc bộ khác. Mới đây con còn thử với vai trò MC đám cưới đây mẹ. Con thấy ngày càng tự tin hơn, càng “chuyên nghiệp” hơn qua nhiều chương trình. 

Với khả năng viết lách của mình, con đã đăng ký vào đội hình Ngòi bút trẻ cảu Thành đoàn, trở thành chiến sĩ mùa hè xanh trên mặt trận báo chí. Con cũng công tác với nhiều tờ báo yếu thích, thỏa niềm đam mê của mình.

 Con học trường Sư Phạm, nhưng lại không dám đi làm gia sư như bạn bè vì sợ phụ huynh hay học sinh không tin tưởng vì thấy mình khuyết tật. Thế nhưng, sau này, con đã thử và điều lo lắng đã không xảy ra. Con dạy cho cô học trò cao hơn con gần cả cái đầu, vừa có tiền trang trải sinh hoạt phí, vừa tìm thấy niềm vui được phụ huynh khen, học trò thi với điểm số khá cao. Con cũng vừa nhận một lớp dạy ở nhà bé trai học lớp 6, học trò rất quý, lại biết thương cô giáo “đau chân”, biết nghe lời. Con thấy thật đáng tiếc nếu ngày đó không dám thử công việc này. Hai tiếng dạy học của con bằng tiền công một ngày bố dãi nắng dầm mưa ở nhà. Con lại càng thương bố mẹ, càng cố gắng hơn nữa.

Con biết chấp nhận!

Con thực sự đã nhận ra nhiều điều sau khi học khóa Biến đổi tư duy mà DRD tổ chức cho thanh niên tụi con. Sống trọn vẹn là phải biết chấp nhận!

Bố mẹ khuyên nên đi xe ba bánh cho an toàn, con nhất quyết không nghe lời. Thà đi xe đạp, mệt nhọc, vất vả còn hơn là phải đi chiếc xe máy mà bị người ta nhòm ngó, chỉ trỏ. Ấy thế mà qua khóa học ấy con mới nhận ra rằng, cuộc đời mình sẽ gắn liền với sự khuyết tật mãi mãi, nhưng đó không có gì đáng xấu hổ hay ái ngại cả. Quan trọng là sự trọn vẹn về tâm hồn, về khả năng chứ không phải là sự khiếm khuyết về hình thể. Bố mẹ rất ngạc nhiên đúng không ạ? Con thấy niềm vui long lanh trong đôi mắt bố khi đi từ Nghệ An vào để làm xe cho con. Bố bảo rằng bố mẹ sẽ rất yên tâm khi con gái ở xa đi lại trên chiếc xe ba bánh.  Con cũng thấy niềm vui lan tỏa.

Con thay đổi suy nghĩ về tình yêu!

Mười chín tuổi, con vẫn giữ suy nghĩ rằng mình sẽ chẳng yêu ai cả, đúng hơn là sẽ chẳng có ai thèm yêu con hêt. Rồi con sẽ sống một mình, không có chồng, sau này sẽ xin một đứa con về nuôi. Con bắt đầu nghĩ thế ngay từ hồi… học cấp 2, bố mẹ cũng nghĩ vậy nên thường an ủi con: “Không ai lấy thì về ở với bố mẹ chứ lo gì!”. Lúc đó, con nghĩ rằng tình yêu đối với người khuyết tật là một thứ tình cảm xa xỉ, lâp gia đinh với người khuyết tật là một việc khờ dại khi tự dưng lại đi mang vào mình một gánh nặng lớn.

 Vậy mà con thay đôi suy nghĩ ấy khi được biết về nhiều câu chuyện tình đẹp của người khuyết tật. Con gặp họ hàng ngày, thấy họ hạnh phúc với tình yêu của mình. Rồi con được tham gia những buôi chia sẻ của Câu lạc bộ Phụ Nữ, chương trình Sống độc lập, được hiểu rằng người khuyết tật cũng có quyền được yêu thương, được mưu cầu hạnh phúc. Và con chợt vỡ oàtrong niềm vui sướng, bởi nhìn theo một lăng kính khác, sự khiếm khuyết trên cơ thê, chính là thứ vừa là trở ngại, nhưng cũng là cơ hội để thử thách tình yêu của đối phương.

Mùa Têt năm rồi, cô hàng xóm ghé nhà hỏi con đã có người yêu chưa. Mẹ bình thản như 19 năm nay vẫn thế: “Tật như thế, ai yêu, chị”. Con mỉm cười, trả lời lại: “Da, năm sau cháu đưa về ra mắt nha cô”. Câu trả lời đùa đùa thật thật của con khiến mẹ bất ngờ. Tối về, con nói lại hết với mẹ những gì con được biết, được nghe, được chứng kiến và sự thay đổi của con khi suy nghĩ vê tình yêu. “Con gái mẹ vừa dễ thương, vừa học giỏi thế này, thiếu gì người muốn yêu chứ!”- mẹ vuốt tóc con cười mà rưng rưng - “Con gái lớn thật rồi!”.

Mới đây, trong khi xem lại những email xưa cũ, vô tình con đọc được bức thư ngày xưa con viết hồi còn ở ngoài quê gửi cho cô Yên, cho các anh chị điều phối dự án mà đến ngày hôm nay đã trử nên quá thân thương với con như anh Tùng, chị Kim Anh, chi Hiếu… Xúc động, con gửi lại cho mọi người mail đó: “Vậy là cũng đã hơn 2 năm rồi ạ”. Có thư trả lời con ngay sau đó: “Em đã trưởng thành hơn và lại có nhiều đóng góp nữa!”. Con mỉm cươi.

Con đã tự lo được cho bản thân mình ở đất Sài Gòn, lại làm được việc mà con yêu thích, bố mẹ có tự hào về con không?

Còn nhiều, nhiều lắm nhưng điều con muốn nói. Tết nay về, con sẽ lại nép mình vào lòng mẹ, kể cho mẹ nghe thêm những gì con gái mẹ đang làm, mẹ nhé. Cám ơn bố mẹ đã luôn yêu thương con, cám ơn DRD đã cho con một cách nhìn, cách sống khá mới. Con biết, khi đọc lá thư này, bố mẹ cũng sẽ thầm cảm ơn DRD vì đã giúp con gái mình thay đổi.

Yêu nhà mình rất nhiều!

Con gái của mẹ:

Thanh Hoa.

 

DRD Vietnam


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: DRD và các hoạt động, Gương điển hình

Tin liên quan

Go to top