Search

Vie

Eng

Lê Thị Thu Liễu | Câu chuyện thay đổi - Dự án BUILD

Thứ năm, 07 tháng 07 2011 12:19

Chia sẻ:

Hình Thúy Liễu

Hình: Lê Thị Thu Liễu

Liễu sinh năm 1985, nữ, cư trú tại Bến Tre, lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống từ năm 2007.

Liễu bị sốt bại liệt từ nhỏ, được nuôi dưỡng bó hẹp trong gia đình, hàng xóm kỳ thị nên ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển tâm lý và khả năng giao tiếp cộng đồng của chị.

Liễu bị sốt bại liệt từ lúc 2 tháng tuổi. Sau khi được phâu thuật tách 2 chân, thân chủ đã có thể di chuyển bằng xe lăn và đi nạng. Tuy nhiên, hậu quả của ca mổ là thân chủ mất đi khả năng sinh con.

Thời thơ ấu, dù Liễu được cha mẹ yêu thương nhưng hàng xóm và bạn bè lại có thái độ kỳ thị khiến thân chủ và gia đình tủi thân, suốt ngày ru rú trong nhà vì sợ mọi người trêu chọc. Liễu kể: “Mẹ em lúc nào cũng tủi thân vì nghĩ khi con người ta bằng tuổi con mình thì được tự do vui chơi, học tập, con mình thì chẳng đi đâu được”.

Hoàn cảnh đó hình thành nên thái độ tự ti khi nhìn nhận về bản thân của Liễu. Khả năng giao tiếp với người lạ của Liễu cũng rất kém. Đó là những lý do khiến thân chủ yếm thế, khó mở lòng với mọi người nên cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp tốt rất khó khăn.

Năm 2007, Liễu tự ý bỏ nhà lên Tp. Hồ Chí Minh để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: tuy mình bị bị khuyết tật nhưng vẫn có thể làm việc nuôi sống bản thân. Khi đến thành phố, Liễu rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn: không tiền, không chỗ ở, không nghề nghiệp, sức khỏe lại yếu ớt vì khuyết tật nặng. May nhờ có nhiều người giúp đỡ và dựa vào nghị lực của mình nên Liễu cũng ổn định được cuộc sống.

Lúc mới lên thành phố, Liễu mưu sinh bằng nghề bán vé số. Tuy nhiên, do thái độ sống yếm thế và chưa quen việc, dù rất có gắng nhưng Liễu vẫn sống rất chật vật, công việc vất vả nhưng thu nhập không đáng kể, có khi còn lỗ vốn.

Năm 2010, Liễu được 1 người bạn giới thiệu đến DRD và nhóm nhân viên dự án DRD đã tiếp nhận hỗ trợ tạo việc làm cho chị. Thời gian đầu, nhóm nhân viên dự án DRD hỗ trợ thân chủ công việc tại 1 cơ sở may thủ công và làm đồ lưu niệm. Công việc tuy thu nhập thấp nhưng nhẹ nhàng hơn công việc bán vé số rất nhiều.

Thời gian làm việc tại đây, Liễu gặp nhiều khó khăn vì tính cách khó cởi mở của mình, quan hệ với đồng nghiệp không được tốt. Nhiều người không thích Liễu khiến thân chủ rất khó hòa nhập với không khí chung của công ty, không yêu thích công việc và không có động lực làm việc.

Nhóm nhân viên dự án DRD cho biết: “Khi làm việc tại cơ sở này, Liễu rụt rè và ngại khi người khác nhìn mình. Vì vậy, Liễu ít nói chuyện với đồng nghiệp, ít đi chơi chung với mọi người. Ngoài thời gian làm việc, chủ yếu Liễu nhà và ngủ”.

Một vấn đề khác của Liễu là tâm lý buông xuôi trong hạnh phúc gia đình. Chị quen 1 người đàn ông hơn mình 11 tuổi. Chị tâm sự: “Tôi nghĩ chỉ quen vậy thôi, chứ lấy nhau về cũng chẳng có con được, không có ý định lâu dài…” Chị rất yêu thương bạn trai của mình nhưng cứ đắn đo, tự ti vì sợ không hạnh phúc lâu dài. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến thái độ sống và làm việc của chị.

Nhóm nhân viên dự án DRD đề nghị: “Liễu cần được hỗ trợ để ổn định về tâm lý. Cần thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với Liễu về những chuyện tình yêu tốt đẹp của người khuyết tật, những gia đình người khuyết tật hạnh phúc để cải thiện tâm lý yếm thế của chị. Đồng thời khuyến khích Liễu phát huy các điểm mạnh của mình như nghị lực vươn lên, chịu thương chịu khó…”.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng làm việc tại cơ sở mà nhóm nhân viên dự án DRD giới thiệu, Liễu đã quyết định nghỉ việc dù lúc này thân chủ đã thay đổi nhiều, mối quan hệ với đồng nghiệp cũng đã được cải thiện theo hướng tích cực. Theo Liễu thì lý do nghỉ việc là thu nhập ở đây quả thấp, không đủ cho thân chủ tích lũy lo lắng cho tương lai.

Sau khi nghỉ việc tại đây, Liễu quay lại với nghề cũ là bán vé số. Sau một thời gian giao tiếp với nhiều người, Liêu đã bản lĩnh hơn, giao tiếp tốt hơn nên công việc này của thân chủ thuận lợi hơn thời gian trước.

Liễu cho biết: “Đi bán vé số thì giờ giấc thoải mái không bị gò bó, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm mà thu nhập cũng khá cao. Một ngày bán vé số có dư từ 180 - 200 ngàn đồng”.

Hiện Liễu đã sắp xếp công việc và cuộc sống gia đình thuận lợi. Thân chủ còn thuê riêng 1 phòng trọ lớn để ở cùng em trai đang học đại học. Chị cũng có dư tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ hàng tháng. Liễu còn dự định đón mẹ lên thành phố làm cùng chị; vì theo chị, công việc này hơi cực một tí nhưng làm quen thì thu nhập tốt, có dư để tiết kiệm cho cuộc sống tương lai.

Nhóm nhân viên dự án DRD cho biết: “Đến thời điểm này, theo nguyện vọng của thân chủ thì chị đã hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại. Thân chủ thấy công việc đó phù hợp với mình và có thể giúp chị tích lũy cho tương lai. Do đó, chúng tôi quyết định ngừng hỗ trợ chị về vấn để việc làm. Chỉ tiếp tục liên hệ và giúp đỡ, tư vấn cho chị 1 SỐ thủ tục liên quan đến cuộc sống như làm thẻ ngân hàng, bảo hiểm y tế...".

Ca này là một điển hình của người khuyết tật từ các vùng nông thôn ra thành thị mưu sinh. Họ vốn quen với cuộc sống khó khăn nên thích ứng khá tốt với cuộc sống bươn chải ở thành thị. Vấn đề chỉ là thái độ tự tin chung của người khuyết tật được giáo dục bó hẹp trong phạm vi gia đình và chưa quen với hoàn cảnh sống, làm việc thành thị.

Sau khi được hướng dẫn quen với môi trường sống, làm việc và nâng cao khả năng giao tiếp, thân chủ nhanh chóng thích ứng với cuộc sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Công việc mà nhiều người khuyết tật ở đô thị chê là nặng nhọc lại phù hợp với thân chủ vì thu nhập ổn định nếu làm quen việc.

Dù ca này khá đơn giản, hoạt động hỗ trợ nhân vật của nhóm nhân viên dự án DRD cũng không nhiều và rõ nét nhưng cho thấy: một cách hỗ trợ đơn giản cũng có thể thay đổi được cuộc sống của một người khuyết tật. Với những người có khả năng tự lực cao như Liễu, chỉ cần hỗ trợ họ làm quen với hoàn cảnh, công việc trong môi trường mới, họ sẽ tự phấn đấu để thích ứng với công việc.

 

DRD Vietnam


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Tin liên quan

Go to top