Search

Vie

Eng

Dạy võ để chống bạo lực: Sai mục tiêu giáo dục

Thứ hai, 30 tháng 05 2011 17:00

Chia sẻ:

Bạo lực học đường hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dạy võ không giải quyết được các nguyên nhân ấy. Tuổi mới lớn được khuyến khích làm theo những gương bắt cướp dễ nông nổi gây nguy hiểm cho bản thân.

Sau khi đăng thông tin một số trường ở quận Tân Bình, TP.HCM tổ chức dạy Aikido để phòng, chống bạo lực học đường, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia tâm lý, giáo dục. Các ý kiến đều cho rằng: Nếu xem việc dạy võ như một giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường, e sẽ không đạt được mục đích, có khi còn lợi bất cập hại.

Coi chừng tạo ra nguy cơ bạo lực

Để trả lời câu hỏi “Học võ có giúp giảm bạo lực học đường hay không?”, chúng ta phải xem xét từ hai góc độ: Nguyên nhân gây nên bạo lực học đường và những cái hay của học võ. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em học được bạo lực từ phim ảnh, từ game, từ việc chứng kiến bạo hành tại gia đình mình và từ cách đối xử bất công của những người lớn chung quanh (thầy cô, quản lý nhà trường…).

Trong phim ảnh, bạo lực thường được tưởng thưởng và rất hiếm khi gặp phải những kết quả không hay. Khi trẻ em nhìn thấy những bất công trong xã hội, những bất công trong cách người lớn đối xử với các em (con nhà giàu, con nhà quyền thế thì có nhiều ưu đãi…), chúng cũng dễ liên tưởng và bắt chước các anh hùng trong phim ảnh.

Ở New Hampshire của nước Mỹ cũng có chương trình dạy võ cho trẻ em từ năm tuổi. Chương trình này cho rằng học võ giúp trẻ khỏe mạnh, giảm stress, là cơ hội phát triển tính kỷ luật, tự tin và tôn trọng người khác. Nó cũng giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc chăm chỉ luyện tập và chú trọng chi tiết, điều này giúp ích cho trẻ trong việc làm bài tập cũng như việc phát triển bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng của chương trình võ thuật học đường là giúp trẻ học cách kiểm soát bản thân để tránh xung đột và chỉ sử dụng sức mạnh như là giải pháp bất khả kháng sau cùng.

alt 

Học võ là để nâng cao sức khỏe, kiểm soát bản thân chứ không phải dùng bạo lực chống bạo lực. Ảnh: HÀN GIANG

Như vậy, nếu chúng ta chỉ dạy trẻ võ thuật để giúp trẻ tự vệ mà không giúp trẻ học cách kiểm soát bản thân, học kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, phát triển các giá trị khác như thương yêu, tôn trọng, tự trọng… thì coi chừng chúng ta vô tình tạo thêm những trẻ có nguy cơ gây nên bạo lực. Dạy võ thuật cho trẻ chỉ là giải pháp sau cùng chưa giải quyết được cái gốc của bạo lực là ảnh hưởng của phim ảnh, game, bạo hành gia đình và những bất công trong xã hội.

ThS VÕ THỊ HOÀNG YẾN, giảng viên môn phân tích hành vi, khoa Xã hội học và Công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM

E rằng phản tác dụng

Nếu tuyên truyền việc dạy võ như một giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường, e rằng sẽ không đạt được mục đích, có khi còn lợi bất cập hại. Các em trong lứa tuổi mới lớn thường hiếu thắng, nếu biết một chút về võ thuật trong khi chưa thấm nhuần võ đạo, không kiểm soát cảm xúc và kiềm chế phản xạ bản năng thì sẽ tạo ra rắc rối cho các em. Khi bị đối tượng tấn công, các em không đủ bình tĩnh để giải quyết, chưa đủ khả năng để thẩm định tình hình, đánh giá đối thủ, lại ỷ mình có chút “ngón nghề” sẽ dễ rơi vào nguy hiểm.

Dù sao ý tưởng dạy võ trong học đường là hay và cần thiết nhưng hãy làm thực chất, đừng làm theo phong trào. Nên tổ chức dài hơi. Có thể coi như giờ học thể dục cho các em.

Việc dạy võ cho các em là cần thiết, cả về mặt sức khỏe thể chất lẫn tâm lý vì khi học võ, các em có cơ hội tập luyện cơ thể. Với kỷ luật võ đường, các em sẽ biết tôn trọng người khác, bình tĩnh, tự tin, có bản lĩnh hơn trong cuộc sống; và dĩ nhiên vấn đề này phải được thực hiện nghiêm túc trong một thời gian dài chứ không phải chỉ diễn ra một tháng hay tám buổi.

ThSNGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Hồn Việt

Không nên nhân rộng mô hình này

Tôi mong muốn các trường tổ chức hoạt động để nâng cao thể lực cho học sinh, giúp các em giảm bớt căng thẳng do việc học văn hóa. Tuy nhiên, việc dạy võ (dù dưới hình thức nào) để hạn chế bạo lực học đường là không đúng mục tiêu. Bởi dạy võ chủ yếu giúp học sinh rèn luyện thể lực, xử lý các tình huống bằng phản xạ tự nhiên chứ không phải học võ để dùng vũ lực chống lại vũ lực.

Một tháng dạy võ và để các em ứng dụng trên thực tế là điều không tưởng và rất nguy hiểm cho các em. Dạy võ dù là trong trường học hay các câu lạc bộ võ thuật bên ngoài cũng cần phải có giáo trình, cấp độ khác nhau và phải học hết cấp độ mới hy vọng có hiệu quả giúp người học tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống. Nếu dạy và học không đúng mục đích của võ thuật là một điều nguy hiểm.

Việc mời các hiệp sĩ bắt cướp đến giao lưu với học sinh thì cách làm và cách truyền đạt phải hết sức thận trọng, bởi nếu không khéo, các em dễ rơi vào ảo tưởng, cứ nghĩ mình là siêu nhân. Cá nhân tôi không khuyến khích chuyện này và không nên dạy cho các em làm theo gương của các hiệp sĩ săn bắt cướp vì các em còn nhỏ, phải lấy học tập, rèn luyện đặt lên làm đầu. Không nên nhân rộng mô hình này, bởi rất dễ lệch lạc.

Ông DƯƠNG VĂN BÁ, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD & ĐT

HÀN GIANG

Nguồn: PhapLuatOnline

 


Chia sẻ:
Bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi chứ?
Hợp tác Đóng góp

Từ khóa: Chia sẻ, Giáo dục, Kỹ năng sống, Nhận thức, Phát triển cộng đồng, Phòng ngừa, Bài viết, Bài viết về DRD, Công tác xã hội, Hoàng Yến

Tin liên quan

Go to top