Search

Eng

Vie

The item you are viewing, we can not develop the English

Thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên

Wednesday, 30 June 2010 08:53

Thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế

Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên

1- Điều kiện được đăng ký kinh doanh công ty TNHH có 2 thành viên trở lên: Người từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi, không thuộc các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp.


2- Hồ sơ đăng ký kinh doanh công ty TNHH có 2 thành viên trở lên:

- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh do đại diện pháp luật của công ty ký (theo mẫu): 02 bản.

- Dự thảo điều lệ công ty được tất cả các thành viên sáng lập (hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên sáng lập là tổ chức) và người đại diện theo pháp luật ký từng trang (có thể tham khảo mẫu ): 01 bản;

- Danh sách thành viên có chữ ký của tất cả thành viên và đại diện pháp luật tại cột 14 và phần cuối trang (theo mẫu qui định): 01bản.

- Giấy tờ chứng thực của thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật:

+ Cá nhân có quốc tịch Việt Nam:  Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) còn hiệu lực (1bản).

+ Nếu thành viên góp vốn là tổ chức:

i) Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy tờ tương đương khác ; bản sao hợp lệ Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác: mỗi loại 1 bản.

ii) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực nêu trên của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng : mỗi loại 1bản

- Bản kê khai thông tin đăng ký thuế (theo mẫu qui định) (1 bản).

- Nếu người nộp hồ sơ không phải là người đại diện pháp luật của công ty: Xuất trình Giấy CMND (hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác) còn hiệu lực và văn bản ủy quyền của người nộp hồ sơ thay có xác nhận của chính quyền địa  phương hoặc Công chứng nhà nước.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định, thì kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có thêm văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề và CMND của người có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 của Chính phủ: Mỗi loại 01 bản.

3- Lệ phí: đăng ký kinh doanh 200.000đ; đăng ký giấy chứng nhận mẫu dấu: 20.000đ

4- Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM.

5- Thời gian giải quyết: Không quá 05 ngày làm việc.

* Ghi chú: Có thể đăng ký thành lập công ty trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại website: www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/tiếng việt/dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng/thành lập….

HƯỚNG DẪN KÊ KHAI THÔNG TIN TRÊN

GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÔNG TY TNHH CÓ HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

 

-Người đăng ký: ghi tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, viết bằng chữ in hoa.

 Chức danh của người đại diện theo pháp luật chọn Giám đốc (tổng giám đốc) hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên. (Một cá nhân có thể kiêm nhiệm hai chức danh, nhưng chức danh đại diện pháp luật phải chọn một trong hai, lưu ý thống nhất chức danh người đại diện pháp luật trên Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và điều 6 điều lệ công ty)

 Số chứng thực chọn 1 trong 2 loại:

+ Chứng minh nhân dân (số, ngày cấp, nơi cấp). CMND phải còn hạn sử dụng (không quá 15 năm), không bong, tróc, nhòe số.

+ Hộ chiếu còn hạn sử dụng (số, ngày cấp, nơi cấp );

Kê khai loại chứng thực nào thì nộp kèm theo giấy tờ tương ứng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh

 -Tên công ty: theo qui định tại Điều 31, 33 Luật Doanh nghiệp thì: tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không được trùng với doanh nghiệp đã đăng ký.

Doanh nghiệp có thể có (hoặc không có) tên viết tắt và tên tiếng nước ngoài.

Tham khảo thêm Điều 10, 11, 12, 13 nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh để tìm hiểu quy định về tên trùng, tên gây nhầm lẫn.

Cách dò tên: Truy cập vào địa chỉ www.dpi.hochiminhcity.gov.vn//Tiếng Việt/tìm kiếm thông tin chi tiết doanh nghiệp/doanh nghiệp trong nước/tìm kiếm doanh nghiệp/tìm kiếm theo điều kiện/tên doanh nghiệp. Nhập tên doanh nghiệp, không nhập thông tin vào các ô khác và chọn cập nhật. Sử dụng font chữ UNICODE.

 Ví dụ 1:

Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY TNHH  TÁO XANH

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: GREEN APPLE COMPANY LIMITED

Tên công ty viết tắt: CÔNG TY TNHH TX 

Ví dụ 2:

Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY TNHH  TÁO XANH

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: GREEN APPLE COMPANY LIMITED

Tên công ty viết tắt: GA CO.,LTD

Ví dụ 3:

Tên công ty viết bằng tiếng Việt: CÔNG TY TNHH  TÁO XANH

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: TAO XANH COMPANY LIMITED

Tên công ty viết tắt: TX CO.,LTD

-Địa chỉ trụ sở chính: Căn cứ Điều 35 Luật Doanh nghiệp thì đó là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp, phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác thực gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên phường (xã), quận (huyện); số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).

 -Ngành, nghề kinh doanh:

+  Đăng ký ngành nghề đúng mã ngành cấp 4 hoặc cấp 5 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động của ngành nghề kinh doanh được quy định cụ thể tại Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Cách dò ngành như sau: tham khảo Quyết định 337/2007/QĐ-BKH trước, sau khi xác định được lĩnh vực theo yêu cầu thì tra ngược trở lại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg để ghi đúng tên ngành và mã ngành. Đề nghị không tự ý thay đổi tên ngành trong Quyết định 10/2007/QĐ-TTg).

+ Đối với ngành nghề không được quy định tại Danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam, nhưng được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh .

+ Đối với ngành nghề pháp luật chuyên ngành yêu cầu có chứng chỉ hành nghề thì đăng ký ngành nghề theo lĩnh vực được phép hoạt động ghi trên chứng chỉ hành nghề và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh. Tham khảo bảng tổng hợp danh mục ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề.

+ Đối với ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký theo yêu cầu và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.

- Vốn điều lệ do các thành viên tự đăng ký , có thể là hiện kim (tiền Việt Nam, vàng hoặc ngoại tệ đã được qui đổi sang tiền Việt Nam) hoặc tài sản khác. Nếu ngành, nghề kinh doanh không yêu cầu điều kiện phải có vốn pháp định thì tùy theo nhu cầu, quy mô hoạt động của công ty, các thành viên góp vốn và đăng ký vốn điều lệ cho phù hợp.

- Vốn pháp định: chỉ kê khai khi doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về vốn pháp định. Trường hợp này mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định. Tham khảo danh mục ngành nghề yêu cầu có vốn pháp định.

 

HƯỚNG DẪN KÊ KHAI THÔNG TIN TRÊN

DANH SÁCH THÀNH VIÊN CÔNG TY TNHH CÓ HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

 

- Cột 2: Nếu thành viên là cá nhân thì ghi đầy đủ họ và tên theo Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

Nếu thành viên là tổ chức thì ghi đầy đủ tên công ty theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế và tên nguời đại diện phần góp vốn của thành viên là tổ chức.

- Cột  7: ghi chỗ ở hiện tại (tạm trú) của thành viên là cá nhân.

- Cột 8: Ghi địa chỉ thường trú (địa chỉ ghi trên hộ khẩu) của thành viên là cá nhân, địa chỉ trụ sở của tổ chức (ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc quyết định thành lập) và địa chỉ thường trú của cá nhân đại diện tổ chức.

- Cột 9: kê khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu đối với thành viên là cá nhân, tổ chức và người đại diện vốn góp của tổ chức.

- Cột 10: ghi giá trị vốn góp của từng thành viên hoặc của từng người đại diện.

- Cột 11: + Nếu là vốn của cá nhân hoặc tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp: ghi là DD (nghĩa là dân doanh);

  + Nếu tổ chức là doanh nghiệp nhà nước: ghi là NN ( nghĩa là nhà nước)

- Cột 13: ghi cụ thể ngày tháng năm góp vốn của thành viên (ví dụ ngày 10/4/2009, không ghi “ngay thời điểm được cấp đăng ký kinh doanh”.. hoặc tương tự)

- Cột 14: chữ ký của từng thành viên theo thứ tự tương ứng. Nếu tổ chức góp vốn thì đóng dấu của tổ chức và ký tên của người đại diện phần vốn tổ chức.

- Phần chữ ký Đại diện pháp luật: lưu ý nếu đồng thời là thành viên công ty thì ký cả ở cột 14 và phần cuối trang

 

MỘT SỐ LƯU Ý CỤ THỂ  KHI XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ

 

Lưu ý chung điều lệ: phải đảm bảo các nội dung theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp, gồm các nội dung:

( 1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; 2. Ngành, nghề kinh doanh; 3. Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ; 4. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; 5. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần; 6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; 7. Cơ cấu tổ chức quản lý; 8. Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; 9. Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; 10. Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; 11. Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần; 12. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; 13. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;14. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; 15. Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo uỷ quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;16. Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật).

Một số lưu ý cụ thể khi tham khảo điều lệ mẫu:

 Điều 5: doanh nghiệp ghi thời gian cụ thể mà doanh nghiệp hoạt động, không ghi “vô hạn” hoặc “cho đến khi có quyết định”…

Ví dụ: Doanh nghiệp dự kiến thời gian hoạt động là 20 năm hoặc 50 năm

Điều 6: Chức danh của người đại diện theo pháp luật chọn Giám đốc (tổng giám đốc) hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên. (Một cá nhân có thể kiêm nhiệm hai chức danh, nhưng chức danh đại diện pháp luật chỉ chọn một trong hai, lưu ý thống nhất chức danh người đại diện pháp luật trên giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và điều 6 điều lệ công ty)

Điều 7: nếu các thành viên không góp vốn bằng tài sản thì không nêu danh mục tài sản và các cam kết về giá trị tài sản.

Điều 14: các thành viên phải thông qua và ghi rõ họ tên của các cá nhân đảm nhiệm các chức danh quản lý vào điều này

Điều 17: Nếu công ty thuê giám đốc hoặc giám đốc không phải là thành viên nắm giữ tối thiểu 5% vốn điều lệ, thì phải quy định việc công ty có thể thuê giám đốc hoặc việc bổ nhiệm giám đốc công ty không phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn của thành viên vào công ty tại điều này.

Nếu cá nhân đã làm giám đốc công ty cổ phần thì không được làm giám đốc công ty TNHH.

Lưu ý: các thành viên phải thông qua từng điều khoản quy định tại điều lệ công ty (thể hiện bằng việc các thành viên ký tên và ghi rõ họ tên vào từng trang điều lệ)

 

HƯỚNG DẪN KÊ KHAI THÔNG TIN ĐĂNG KÝ THUẾ

 

1/ Địa chỉ nhận thông báo thuế: là địa chỉ giao dịch, nhận các văn bản và thông báo thuế do cơ quan Thuế gởi đến. Địa chỉ này có thể nằm ngoài địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp.

2/ Ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh: doanh nghiệp kê khai ngày dự tính hoặc ngày chính thức hoạt động

3/ Hình thức hạch toán kế toán về kết quả kinh doanh:

 + Hạch toán độc lập: các loại hình doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc có con dấu riêng, có tài khoản ngân hàng, và được sự đồng ý của cơ quan chủ quản về việc hạch toán độc lập.

 + Hạch toán phụ thuộc: chỉ chọn mục này cho các đơn vị phụ thuộc là chi nhánh

4/ Năm tài chính: là niên độ kế toán. Niên độ kế toán nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là 01/01 đến 31/12 dương lịch (hoặc từ ngày chính thức hoạt động đến 31/12 năm đó).

5/ Tổng số lao động: ghi số lao động dự kiến làm việc tại doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

6/ Đăng ký xuất khẩu: xuất nhập khẩu là quyền của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp chọn có hoặc không tùy theo dự kiến hoạt động của doanh nghiệp. Chi nhánh có thể hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tùy theo ủy quyền của doanh nghiệp.

7/ Tài khoản ngân hàng, kho bạc: là tài khoản của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân có thể kê khai tài khoản của chủ doanh nghiệp. Đơn vị hạch toán phụ thuộc kê khai tài khoản của đơn vị chủ quản.

8/ Thông tin về đơn vị chủ quản: chi nhánh, văn phòng đại diện phải kê khai mục này

9/ Các loại thuế phải nộp: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môn bài là các loại thuế bắt buộc; các loại thuế khác nếu có phát sinh thì kê khai.

10/ Thông tin về các đơn vị có liên quan: doanh nghiệp không kê khai mục này

11/ Tình trạng trước khi tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp: nếu đăng ký kinh doanh từ tình trạng hợp nhất, tách, chia doanh nghiệp hoặc có nhận sáp nhập của doanh nghiệp khác thì đánh dấu vào ô đó.

(Bản khai này là tài liệu kèm theo Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh nên doanh nghiệp không cần ký tên)

 

HƯỚNG DẪN  ĐĂNG KÝ MẪU DẤU

 

      Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đóng lệ phí đăng ký mẫu dấu ngay tại Quầy thu phí của Công an thành phố đặt tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó chọn đơn vị để khắc con dấu theo danh sách sau:

1. Cơ sở khắc dấu 459 Phòng CS QLHC về TTXH Công an TP.HCM địa chỉ 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, Tp.HCM.

2. Cơ sở khắc dấu Thành Công, địa chỉ 143 Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM.

3. Chi nhánh Công ty TNHH TM Hà Anh, địa chỉ 128 Lê Lai, quận 1, TP.HCM.

4. Công ty TNHH Một thành viên Á Châu, địa chỉ 197 Hải Thượng Lãn Ông, phường 13, quận 5, Tp.HCM.

5. Công ty TNHH TM Mẫn Đạt, 98F Lê Lai, quận 1, Tp.HCM.

6. Công ty TNHH Dung Phúc, địa chỉ 201/13/31 Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

7. Công ty TNHH Sao Sáng, địa chỉ 621 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Tp.HCM.

8. Công ty TNHH TM DV Khắc dấu Sao Đỏ, địa chỉ: 278 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, Tp.HCM.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được con dấu do cơ sở khắc dấu chuyển đến, cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra, đăng ký để trả con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp. Khi đến nhận con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu tại cơ quan công an, đại diện doanh nghiệp nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân cho cơ quan công an.

 

 

Related post

Will you join us?
Co-operate Donate
Go to top