Search

Vie

Eng

Người biết chiến thắng nỗi đau

vi Thứ bảy, 02 tháng 12 2006 17:00

Võ Thị Hoàng Yến, tác giả diễn đàn dành cho người khuyết tật (DRD): Người khuyết tật chỉ được quan tâm thoả đáng nếu họ được xem như là một bộ phận của các chương trình phát triển xã hội, chứ không phải là đối tượng của sự từ thiện hoặc ban ơn.

alt 

Tôi gặp chị trong một buổi họp báo về người khuyết tật. Đôi mắt to sáng, gương mặt rạng rỡ của chị khiến ai cũng nghĩ chị là một phóng viên… Cho đến khi được mời lên phát biểu, chị xin lỗi vì không thể đứng lên được. Chị tự tin và hiểu biết. Tôi có ấn tượng thật mạnh mẽ về người phụ nữ khuyết tật ấy. Chị là Võ Thị Hoàng Yến, hiện đang công tác tại khoa Xã hội học (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Yến là con út của một gia đình nông dân nghèo ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, với 3 người chị gái. Chị kể lại: “Lúc sinh ra, tôi đã “bụ bẫm, xinh xắn, ai nhìn cũng muốn bế” - như lời Má kể. Đến lúc 2 tuổi rưỡi, vừa lẫm chẫm những bước chạy đầu tiên thì tôi bị sốt bại liệt. Lúc đó còn nhỏ quá nên chắc tôi chưa có được những cảm nhận về cuộc đời, tối tối hay ôm chân khóc “Má ơi đau. Kiến cắn!”.

Năm 1995, tôi phải trải qua triệu chứng hậu sốt bại liệt (post polio syndrome). Lúc đó tôi phải trải qua hai lần đại phẫu và nằm nhà đến gần hai năm. Và tôi đã tận dụng thời gian đó để tự học Anh Văn.

PV: Chị có thể nói về công việc hiện giờ của mình?

Chị Hoàng Yến: Hiện giờ tôi đang dồn hết tâm sức vào việc phát triển Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD), với triết lý của DRD là “Khi nhìn người khuyết tật, hãy nhìn vào một con người trước rồi hãy nhìn vào sự khiếm khuyết của họ”. Bởi vì, người khuyết tật (NKT) trước hết là “con người” với đầy đủ những nhu cầu, ước mơ, và khao khát được sống trọn vẹn như những thành viên khác của cộng đồng. Họ có khiếm khuyết “phần nào đó” những chức năng hoạt động của cơ thể, nhưng phần khiếm khuyết đó, nếu được bù đắp bằng những công cụ hỗ trợ thích hợp, không hề ngăn cản NKT phát triển hết tiềm năng của mình. Vì vậy, cơ hội dành cho NKT chỉ “hết” nếu xã hội đặt trước họ một môi trường sống thiếu hỗ trợ và đầy rào cản.

PV: Trong cuộc sống, chị có hay nhận được sự ưu ái của những người khác không?

Chị Hoàng Yến: Tôi vẫn thường nói rằng, tôi được là tôi của ngày hôm nay là nhờ sự đối xử hết sức công bằng của má tôi. Nghĩa là từ bé tôi vẫn được chia sẻ công việc nhà với các chị chứ không vì quá ưu ái mà được miễn. Dĩ nhiên là công việc phù hợp với sức khoẻ của tôi. Điều đó đã giúp tôi luôn có ý thức về trách nhiệm và cố gắng hoàn tất mọi việc chứ không hề ỷ lại vào sự “nương nhẹ” của người khác chỉ vì mình là NKT.

Khi học ở nước ngoài hoặc những chuyến công tác ở nước ngoài thì tôi vẫn nhận được những “ưu ái”. Nhưng những “ưu ái” đó thực chất là việc tạo “bình đẳng cơ hội” cho NKT, nghĩa là bù đắp phần mất mát để tạo sự bình đẳng. Thí dụ như tôi đi xe lăn bởi vì điều đó giúp tôi đỡ mệt và có thể dồn sức vào công việc chính. Tôi được sắp xếp ở những nơi mà xe lăn có thể dễ dàng tiếp cận vì như vậy là tôi có thể tự làm mọi việc một mình mà không cần phải nhờ người khác giúp đỡ để rồi có cảm giác là mình làm phiền người ta.

PV: Là người thường xuyên tiếp xúc với những người khuyết tật, chị thấy điều gì họ hay vấp phải và cần khắc phục ra sao?

Chị Hoàng Yến: Những người khuyết tật thường hay mặc cảm, tự ti. Và để khắc phục điều này đòi hỏi rất nhiều điều từ phía xã hội chứ không chỉ riêng bản thân NKT. Theo các nhà Hành vi học thì hành vi con người là do tác động của môi trường. Chính môi trường đầy rào cản đã làm cho NKT trở nên tàn tật. Tàn tật về hoạt động khi không thể tự xoay xở một mình. Tàn tật về tinh thần khi sự lệ thuộc và phân biệt đối xử làm cho họ trở nên đầy mặc cảm tự ti. Và môi trường đầy rào cản được tạo nên bởi sự thiếu hiểu biết về bản chất của sự khuyết tật. Vì vậy, để khắc phục hoặc giải quyết nó cần phải có những chương trình nâng cao nhận thức ở tầm mức quốc gia - điều mà ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD), đã nỗ lực để đưa ra thành một trong những lĩnh vực ưu tiên ở Việt Nam.

Đồng thời, xã hội cũng phải giúp NKT học tập và có nghề nghiệp phù hợp, giúp họ có thu nhập ổn định, giúp họ trang bị những kiến thức liên quan đến quyền của họ - những quyền đã được qui định bởi pháp luật- cũng như trang bị kỹ năng xã hội để họ có đủ tự tin đương đầu với những thách thức của cuộc sống.

PV: Hiện nay, một số bạn khuyết tật được đào tạo nghề rồi nhưng lại rất khó xin việc khiến các bạn rất hoang mang, buông xuôi tất cả. Theo chị, việc dạy nghề và định hướng tinh thần cho các bạn trẻ khuyết tật có vai trò như thế nào?

Chị Hoàng Yến: Vai trò ấy vô cùng lớn. Có được một nghề nghiệp phù hợp để có thể tìm được một công việc có thu nhập ổn định là ước mơ của tất cả mọi người. Với NKT đó lại là ước mơ lớn nhất, vì NKT luôn mang trong lòng nỗi tự ti về sức khoẻ và mặc cảm mình là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Về mặt tinh thần cũng thế. Khi NKT được mọi người, nhất là người thân, công nhận khả năng và giá trị của mình thì họ sẽ được khích lệ rất nhiều. Ý nghĩ rằng “ta không phải là người bỏ đi và những khả năng mà ta có, dù nhỏ bé, vẫn có thể giúp ích ít nhiều cho bản thân, cho người thân, và xã hội” có thể giúp chúng ta, đặc biệt là NKT, vượt qua được những khó khăn để đạt tới điều ta muốn hoặc đang đeo đuổi.

Bản thân tôi đã từng không kiếm được việc làm dù đã có trong tay hai bằng đại học. Lúc đó tôi luôn buồn bã vì nghĩ rằng “không lẽ suốt đời mình cứ phải loanh quanh và là mối lo lắng của những người thân như thế này mãi hay sao?”. Và chính tình thương yêu và sư tin tưởng của gia đình, của những bạn bè thân đã giúp tôi lấy lại lòng tin vào khả năng và giá trị của mình, rồi vượt qua những giây phút yếu đuối.

PV: Hiện nay chị đang công tác tại Khoa Xã hội học (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), thường xuyên tiếp xúc với các bạn sinh viên trẻ trung, năng động. Vậy khi hoà nhập với các bạn sinh viên, chị thấy thế nào?

Chị Hoàng Yến: Tôi không cảm thấy khó khăn gì khi tiếp xúc với các sinh viên, mà ngược lại, có cảm giác mình lại trở lại thời sinh viên đầy “lửa”.

PV: Theo chị, sự quan tâm của xã hội đối với người khuyết tật hiện nay đã thoả đáng chưa?

Chị Hoàng Yến: Để trả lời câu hỏi này chúng ta lại phải đặt lại câu hỏi “Xã hội đã giúp NKT học tập và có nghề nghiệp phù hợp chưa? Giúp họ có thu nhập ổn định? Giúp họ trang bị những kiến thức liên quan đến quyền của họ - những quyền đã được qui định bởi pháp luật? Giúp NKT trang bị kỹ năng xã hội để họ có đủ tự tin đương đầu với những thách thức của cuộc sống?”. Rất nhiều NKT và cha mẹ của thanh niên khuyết tật đến hoặc gọi điện đến DRD bày tỏ nỗi lo lắng của họ về một cuộc sống bấp bênh, thiếu điều kiện để tiếp cận với những dịch vụ xã hội cần thiết cho cuộc sống của con mình như việc làm, bảo hiểm y tế, v.v.. Đồng thời chúng ta cũng phải quay trở lại với vấn đề nhận thức: NKT chỉ được quan tâm thoả đáng nếu họ được xem như là một bộ phận của các chương trình phát triển xã hội, chứ không phải là đối tượng của sự từ thiện hoặc ban ơn.

PV: Hiệu quả thiết thực nhất của diễn đàn Người khuyết tật DRD là gì, thưa chị?

Chị Hoàng Yến: Đó là nơi mà tất cả mọi người có thể nêu mọi ý kiến của mình về mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ, đặc biệt là NKT. Vì NKT thường không đủ tự tin để nói lên suy nghĩ “thật” của họ ở nơi đông người. Đồng thời, những tranh luận, đôi khi rất sôi nổi trên diễn đàn DRD giúp cho NKT và người không khuyết tật trở nên hiểu nhau hơn và đồng cảm với nhau hơn.

Đó là nơi các thành viên tìm thấy sự quan tâm thật sự và sự ấm lòng.  Xin chia sẻ với các bạn một ít tâm sự của các thành viên diễn đàn DRD nhé.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về hoạt động cụ thể của DRD, xin mời các bạn ghé qua trang web của chương trình www.drdvietnam.org.

PV: Cảm ơn chị!./.

Nguồn: Báo VOV Online

 


Từ khóa: DRD, Gương điển hình, Hoàng Yến, Người khuyết tật, Phát triển cộng đồng, Phụ nữ khuyết tật

Tin liên quan

Go to top